Thị trường ô tô tháng 5/2018: Xe nhập khan hàng, xe nội rộng cửa
Đến thời điểm hiện tại, tình hình nhập khẩu ô tô vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục. Đa số các hãng vẫn đang loay hoay hoàn thiện thủ tục thông quan, một số hãng được phép thông quan nhưng không có xe để nhập. Đây là cơ hội để ô tô lắp ráp "xả hàng".
Ô tô nhập vẫn loay hoay ngoài... cảng
Theo một số nguồn tin tức ô tô, tháng 6 tới, Mitsubishi Motor sẽ nối lại hoạt động xuất khẩu ô tô sang thị trường Việt Nam. Trước đó, do ảnh hưởng từ những quy định mới của nghị định 116 có hiệu lực từ đầu năm 2018, các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nói chung và Mitsubishi nói riêng phải tạm ngừng nhập khẩu ô tô về nước trong nhiều tháng qua. Rào cản lớn nhất từ Nghị định 116 đối với các hãng xe hiện nay là làm sao có được VTA - Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại phương tiện và vượt qua được quy trình kiểm nghiệm ô tô theo từng lô.
Thị trường ô tô tháng 5/2018: Xe nhập khan hàng, xe nội rộng cửa
Mặc dù Mitsubishi đã chuyển sang lắp ráp Mitsubishi Outlander nhưng các mẫu khác như Mirage và Pajero Sport vẫn phải nhập khẩu từ Thái Lan. Hãng chẳng còn cách nào khác ngoài việc chờ đợi chính quyền Thái Lan cấp giấy VTA. Mitsubishi Việt Nam chia sẻ, dù có giấy VTA hãng cũng không thể dự đoán khi nào có xe giao cho khách hàng bởi còn phụ thuộc vào việc kết quả kiểm định có đáp ứng tiêu chuẩn nêu trong nghị định 116 hay không.
Mitsubishi đang chờ đợi chính quyền Thái Lan cấp giấy VTA
Hiện chỉ có GM và Honda có xe giao cho khách hàng. Trong khi Toyota đã có giấy VTA do chính phủ Indonesia cấp và đã được cục Hải Quan chấp nhận nhưng không thể "bói" đâu ra nguồn hàng bởi nhà máy tại nước ngoài cần thêm thời gian để sản xuất.
Cũng tương tự Toyota, Ford cũng không thể chắc chắn khi nào Ford Ranger về nước. Tháng trước, hãng đã nhập 3 mẫu xe để thử nghiệm các tiêu chuẩn kiểm định và hiện tại hãng đã có giấy VTA. Đáng tiếc, nhà máy sản xuất đặt tại Thái Lan đang ưu tiên sản xuất xe cho khách hàng Philippines, do đó không thể xuất hàng sang Việt Nam ngay được.
Những hãng xe châu Âu cũng "vướng mắc" chuyện thông quan dù họ luôn tự tin về chất lượng sản phẩm. Porsche, Audi, Mercedes và BMW vấp phải khó khăn trước quy định tem thông tin sản phẩm dán ở khung phải điền số chứng nhận chất lượng kiểu loại. Đại diện của một hãng cho hay, loại tem này trước nay chỉ được dán trên những mẫu xe bán tại thị trường châu Âu nên các xe về Việt Nam không được cấp.
♦ Xem thêm: Những mẫu ô tô nhập khẩu sắp bán ra tại Việt Nam trong thời gian tới
Các hãng xe đã nghĩ đến cách tháo gỡ đó là đề nghị hãng mẹ gửi văn bản sang Việt Nam, giải thích lý do tại sao xe xuất khẩu sang Việt Nam không có dán tem ghi số chứng nhận. Một lượng lớn ô tô đã cập bến nhưng chưa thể hoàn thiện thủ tục thông quan. Cơ quan quản lý nước ta đã cho phép một số hãng xe châu Âu nhập xe về trưng bày tại các đại lý nhưng không được phép phân phối cho đến khi đủ điều kiện thông quan.
Đại diện truyền thông của một hãng xe sang nước Đức chia sẻ: "Phía công ty mẹ than phiền rằng đã xuất khẩu ô tô trên toàn cầu nhưng chưa có nơi nào đưa ra nhiều quy định khắt khe như Việt Nam". Xe càng bị tắc ở cửa khẩu, hãng càng khó khăn khi chi phí lưu kho tăng thêm, chịu lãi ngân hàng để có tiền giao cho hãng mẹ.
Đó là nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng của thị trường ô tô nhập khẩu lao dốc không phanh. Tính đến giữa tháng 4/2018, có khoảng 4.936 nhập về nước, giảm mạnh so với con số 30.226 xe cùng kỳ năm 2017 (thời điểm chưa áp dụng Nghị định 116).
Lượng ô tô nhập khẩu từ đầu năm đến giữa tháng 4/2018 so với cùng kỳ 2017
Trước tình hình trên, Bộ GTVT đại diện cho cơ quan quản lý cho biết, các quy định đã nêu trong Nghị định 116 và Thông tư 03 rất phù hợp với thực tế thị trường, giúp cơ quan quản lý kiểm soát chất lượng xe nhập khẩu, tạo môi trường cạnh tranh công bằng giữa xe lắp ráp và nhập khẩu. Xe chỉ được thông quan khi các hãng hoàn thiện đủ hồ sơ như đã nêu.
Ô tô lắp ráp: Một mình một chợ
Ngay từ trong năm 2017, các chuyên gia trong ngành đã dự đoán thị trường ô tô 2018 là cuộc cạnh tranh khốc liệt về giá khi mà thuế ô tô nhập khẩu từ khối ASEAN giảm về 0%. Điều này buộc các dòng xe lắp ráp trong nước phải điều chỉnh giá bán để tránh khỏi tình trạng ế ẩm. Tất nhiên, người được lợi là khách hàng.
Thế nhưng sự thật không như mơ, ngay cả khi ô tô nhập khẩu từ khối ASEAN đủ điều kiện được hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi 0% thì người tiêu dùng Việt Nam cũng không thể hiện thực hóa "giấc mơ ô tô giá rẻ". Sự ra đời của Nghị định 116 /2017 NĐ-CP khiến tình hình nhập khẩu ô tô gần như bị "tê liệt" trong thời gian qua. Đến giờ phút này, người tiêu dùng đã không còn tin và chờ một cuộc đổ bộ ồ ạt của ô tô giá rẻ vốn đã được các chuyên gia trong ngành dự báo trước đó.
Xe ô tô nhập khẩu càng tắc nghẽn ở khâu thông quan, xe lắp ráp càng được lợi. Cuộc cạnh tranh về giá đang thiên về những nhà sản xuất ô tô trong nước bởi xe nhập khẩu không về, người dân không có nhiều lựa chọn, họ buộc phải tìm đến những mẫu xe lắp ráp trong nước. Đó là lý do tại sao, bước sang năm 2018, giá ô tô lắp ráp không giảm, thậm chí một số mẫu còn bất ngờ tăng vài chục triệu so với năm 2017. Xe nội hiện đang rộng cửa vì không có đối thủ cạnh tranh.
Giá ô tô lắp ráp không giảm, thậm chí một số mẫu còn bất ngờ tăng vài chục triệu so với năm 2017
Chừng nào ô tô nhập khẩu chưa "lọt" cửa hải quan thì các hãng xe lắp ráp trong nước tiếp tục gặt hái. Nhiều chuyên gia trong ngành đánh giá, khó khăn từ Nghị định 116 vẫn chưa thể giải quyết ngay được và sắp tới sẽ có thêm hàng rào kỹ thuật mới với yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng ô tô nhập khẩu.